Ông Tập bác phán quyết Biển Đông
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) tại Bắc Kinh ngày 29/8. Ảnh: ABS-CBN. |
Salvador Panelo, phát ngôn viên của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, cho biết trong cuộc gặp song phương với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ở Bắc Kinh ngày 29/8, Duterte đã nêu những quan ngại của nước này liên quan đến Biển Dịch Tiếng Hán Nôm Đông.
"Tổng thống nói rằng phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ở The Hague năm 2016 là quyết định cuối cùng, mang tính bắt buộc và không thể thay đổi", Panelo cho biết.
"Đáp lại, Chủ tịch Tập Cận Bình nhắc lại lập trường của chính phủ Trung Quốc về việc không công nhận phán quyết cũng như không thay đổi quan điểm của họ", Panelo nói thêm.
Theo đơn kiện của Philippines, PCA năm 2016 ra phán quyết bác bỏ yêu sách "đường 9 đoạn" Trung Quốc đơn phương vẽ ra để đòi chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh tuyên bố không công nhận phán quyết và đồng thời đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa phi pháp trên Biển Đông.
"Cả Tổng thống Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình đều đồng ý rằng khi hai bên có lập trường khác nhau, không nên để sự khác biệt làm suy yếu mối quan hệ song phương. Họ chia sẻ quan điểm rằng vấn đề gây tranh cãi này không phải là tất cả trong mối quan hệ Philippines - Trung Quốc", Panelo nói thêm.
Tại cuộc họp, Trung Quốc và Philippines đã công bố thành lập một ban chỉ đạo chung liên chính phủ và một nhóm làm việc giữa các doanh nghiệp có liên quan đến vấn đề hợp tác dầu khí trên Biển Đông.
Chuyến thăm của Duterte tới Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông ngày càng gia tăng sau các hành vi bị cáo buộc mang tính "bắt nạt" láng giềng của Trung Quốc. Phát ngôn viên của Tổng thống Philippines hồi đầu tháng cho biết Duterte sẽ thảo luận với ông Tập về phán quyết Biển Đông và ngụ ý thà hủy họp còn hơn bị ngăn đề cập về vấn đề này.
Sau khi lên làm Tổng thống năm 2016, Duterte né tránh thực thi phán quyết của PCA vì cho rằng điều đó sẽ dẫn đến chiến tranh, đồng thời duy trì chính sách xích lại gần Trung Quốc để đổi lấy các khoản viện trợ và đầu tư. Tuy nhiên, lãnh đạo Philippines gần đây thay đổi giọng điệu với Trung Quốc, sau khi chịu nhiều sức ép từ giới chức và dư luận Philippines về vấn đề Biển Đông.
Ngọc Ánh (Theo ABS-CBN/ Reuters )
Nhận xét
Đăng nhận xét