Cuộc đời của người phụ nữ thử thức ăn cho "trùm phát xít" Hitler: Mỗi ngày đều đánh cược mạng sống, từng bị cưỡng bức đến mất khả năng làm mẹ
Đã hàng chục năm trôi qua kể từ khi bà Margot Wolk rời xa công việc làm người thử thức ăn cho Hitler vào thời điểm Thế chiến II diễn ra. Vậy nhưng, nỗi ám ảnh về những trải nghiệm công việc vẫn cứ như bóng ma ám ảnh cuộc đời về sau của người phụ nữ này, hàng ngày và hàng giờ. Mãi đến tuổi gần đất xa trời, bà Margot mới dám kể lại những gì bản thân đã trải qua thời trẻ.
Vào năm 1941, bà Margot khi đó chỉ mới 24 tuổi thì bom đạn đã phá hủy nhà bố mẹ bà ở thành phố Berlin (Đức). Vụ tấn công ấy buộc bà phải chuyển sang sống ở gia đình chồng ở Gross-Partsch, nay là làng Parcz (Ba Lan), cách Trụ sở quân đội Quang Nam Translation Mặt trận phía Đông đầu tiên của Hitler chưa đầy 3km. Đến đây ở chưa được bao lâu thì bà Margot nhận được tin báo của thị trưởng rằng bà là 1 trong 15 phụ nữ được lực lượng vũ trang chọn làm người thử thức ăn cho Hitler.
Từ trước đến nay, gia đình bà luôn tìm cách chống lại hoặc ít nhất là trốn trách mọi hoạt động liên quan đến Chủ nghĩa quốc xã. Trong quá khứ, bà Margot đã từ chối gia nhập Liên minh các cô gái Đức. Trước đó, bố bà cũng đã nhận sự trừng phạt khi nhất quyết không vào Đảng. Chính vậy nên bà Margot không bao giờ có thể ngờ được một ngày bản thân lại trở thành 1 người phục vụ cho Hitler.
Theo phỏng vấn trên đài RBB của Đức, bà Margot cho biết toàn bộ thức ăn của Hitler đều là món chay. Do nhiều tin đồn quân đội Anh lên kế hoạch đầu độc nên ông trùm phát xít không bao giờ ăn thịt, thay vào đó là gạo, mì, ớt, đậu Hà Lan và súp lơ.
Mỗi ngày, bà Margot và 14 người phụ nữ khác sẽ được xe buýt đón đi đến doanh trại và bắt đầu công việc thử toàn bộ món ăn sẽ được phục vụ cho Hitler vào ngày hôm đó. " Một vài cô gái vì quá sợ hãi đã bật khóc ngay khi cho muỗng thức ăn đầu tiên vào miệng. Dù vậy, chúng tôi buộc phải ăn hết toàn bộ món ăn. Sau đó, chúng tôi chờ 1 giờ đồng hồ và mỗi lần như vậy, chúng tôi như muốn phát điên vì không biết chuyện gì sẽ xảy ra với mình " - bà Margot kể lại. Nếu như may mắn vẫn bình an vô sự thì họ cũng không ngăn được bản thân khóc lóc như một chú chó vì quá đỗi vui mừng. Lúc này, tất cả các món ăn mới được mang đến cho người đứng đầu.
Mặc dù bà Margot và nhiều phụ nữ khác về cơ bản là dùng bữa cùng Hitler nhưng họ chưa bao giờ có cơ hội gặp được người đàn ông này vì lý do an toàn. An ninh xung quanh Hitler càng được tăng cường đến mức tối đa và tuyệt đối sau vụ ám sát bất thành diễn ra vào năm 1944. Sau đó, những người thử thức ăn cho Hitler không được phép ở lại nhà riêng mà bị yêu cầu dọn đến tòa nhà trống gần doanh trại. Tại đây, họ bị giam lỏng không khác gì thú vật.
Chưa dừng lại ở đó, 1 trong những tên bảo vệ còn bắc thang, đột nhập vào phòng Margot để cưỡng bức bà. Chưa bao giờ bà cảm thấy bất lực và tuyệt vọng như vậy nhưng không thể làm gì để thoát khỏi thực tại. May mắn là vào năm 1944, khi quân đội Liên Xô tấn công vào trụ sở của Hitler, bà Margot được một trung úy của Đức giúp đỡ trốn thoát khỏi tòa nhà kia trên chuyến tàu đêm đến thành phố Berlin. Mãi sau này Margot mới biết bà là người duy nhất sống sót, tất cả 14 người đồng nghiệp của bà đều bị quân địch bắn chết.
Tưởng chừng có thể tận hưởng cuộc sống tự do, bà Margot không ngờ lại rơi vào một chốn địa ngục trần gian khác. Sau khi có mặt tại Berlin, bà bị quân đội Liên Xô bắt giữ trong suốt 2 tuần. Đó tiếp tục là khoảng thời gian tăm tối nhất đời Margot khi bà lần lượt bị binh lính thay phiên nhau đánh đập và cưỡng bức, tạo nên thương tổn về mặt tinh thần lẫn sức khỏe đến nỗi cướp đi khả năng làm mẹ của bà.
Sau đó, bà Margot nhận được sự giúp đỡ của một binh lính người Anh và người này ngỏ lời mời bà đến xứ sở sương mù. Bà Margot không vội nhận lời mà muốn tìm kiếm tung tích của chồng, ông Karl. Tưởng rằng ông Karl đã mất mạng trong thế chiến loạn lạc, bà không ngờ được gặp lại ông vào năm 1946 sau khi người này được thả ra từ doanh trại của binh lính Liên Xô.
Vợ chồng bà Margot sống với nhau đến khi ông Karl qua đời vào năm 1990. Phải mất đến gần 70 năm, bà Margot mới nhận lời phỏng vấn kể về những trải nghiệm của mình trong thời gian Thế chiến II diễn ra, bởi bà đã quá sợ hãi và xấu hổ. Năm 2014, bà Margot qua đời.
Câu chuyện của bà Margot trở thành nguồn cảm hứng cho tác giả người Ý Rosella Postorino chắp bút viết nên cuốn sách At The Wolf's Table (tạm dịch: Trên bàn ăn của sói). Sau khi xuất bản, cuốn sách này trở thành 1 trong những tác phẩm bán chạy nhất tại châu Âu và được dịch sang tiếng Anh để có thể chạm đến được trái tim của nhiều độc giả hơn.
" Đây là câu chuyện chưa bao giờ được đề cập trong lịch sử chiến tranh. Cô ấy là một tác giả phi thường khi có thể mô tả nhân vật một cách đẹp đẽ nhất, đồng thời giúp độc giả có thể hình dung được chi tiết những gì đã xảy ra vào thời điểm đó. Thật khó để tưởng tượng cảm giác kinh khủng thế nào khi ngày nào cũng phải chơi trò 'Cò quay Nga' (Russian roulette) " - nhà xuất bản Simon và Schuster tác giả cuốn sách nói về cuộc đời và trải nghiệm của bà Margot.
(Nguồn: news.com.au)
Nhận xét
Đăng nhận xét