Phòng bệnh thiếu máu thiếu sắt bằng cách nào?
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi và ở cả hai giới nhưng phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và trẻ em chiếm tỷ lệ cao hơn.
Nhu cầu sắt trong cơ thể
Sắt là một trong những chất vi lượng có vai trò quan trọng bậc nhất có mặt trong hầu hết các tổ chức của cơ thể như: Trong hemoglobin (Hb), myoglobin và một số enzym. Sắt tham gia các quá trình chuyển hóa như vận chuyển ôxy, tổng hợp DNA, vận chuyển electron...
Ở người bình thường, 90-95% lượng sắt trong cơ thể được tái sử dụng từ nguồn sắt do hồng cầu già bị phá hủy và giải phóng ra, có 5 - 10% (1-2mg) lượng sắt được bài tiết qua nước tiểu, mồ hôi, phân. Để bù lại lượng sắt mất đi, cơ thể nhận thêm sắt từ thức ăn, quá trình hấp thu sắt diễn ra chủ yếu ở dạ dày, hành tá tràng và đoạn đầu hỗng tràng.
Thực phẩm chứa nhiều chất sắt.
Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu sắt:
Không cung cấp đủ nhu cầu sắt: Do tăng nhu cầu sắt (Trẻ em tuổi dậy thì, phụ nữ thời kỳ kinh nguyệt, phụ nữ có thai, cho con bú...); Do cung cấp thiếu: Ăn không đủ, ăn kiêng, chế độ ăn không cân đối, chế độ ăn uống của người nghiện rượu, người già...; Do cơ thể giảm hấp thu sắt: Viêm dạ dày, viêm ruột; cắt đoạn dạ dày, ruột; Do ăn một số thức ăn làm giảm hấp thu sắt như tanin, phytat trong chè, cà phê; nước uống có ga...
Mất sắt do mất máu mạn tính: Loét dạ dày - tá tràng biến chứng chảy máu, ung thư đường tiêu hóa, nhiễm giun móc, polyp đường ruột...; viêm chảy máu đường tiết niệu; mất máu nhiều qua kinh nguyệt; sau phẫu thuật, sau chấn thương, u xơ tử cung... Tan máu trong lòng mạch: Bệnh đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm.
Rối loạn chuyển hóa sắt bẩm sinh (Hypotransferrinemia): Xảy ra khi cơ thể không tổng hợp được transferrin vận chuyển sắt. Bệnh rất hiếm gặp.
Những ai dễ bị thiếu máu thiếu sắt?
Các yếu tố làm tăng nguy cơ thiếu máu thiếu sắt bao gồm:
Giới tính: Phụ nữ là đối tượng dễ bị thiếu máu thiếu sắt hơn nam giới vì thường xuyên bị mất máu do kinh nguyệt hàng tháng.
Độ tuổi: Trẻ sơ sinh, đặc biệt là những trẻ thiếu cân hoặc sinh non thường không nhận đủ chất sắt từ sữa mẹ hoặc sữa bột có thể bị thiếu máu thiếu sắt. Trẻ lớn hơn cũng cần nhiều chất sắt cho quá trình phát triển, do đó nếu chế độ ăn uống không lành mạnh và đa dạng thì trẻ cũng rất dễ bị thiếu sắt.
Ăn chay: Những người không thường xuyên ăn thịt có nguy cơ bị thiếu máu thiếu sắt nếu họ không ăn các thực phẩm giàu sắt thay thế thịt.
Hiến máu thường xuyên: Hiến máu thường xuyên có thể làm cạn kiệt nguồn dự trữ chất sắt, do đó dễ dẫn đến thiếu máu thiếu sắt.
Dấu hiệu nhận biết thiếu máu, thiếu sắt
Người bị bệnh thiếu máu, thiếu sắt thường có triệu chứng da xanh xao, niêm mạc nhợt nhạt, lưỡi nhợt, nhẵn do mất hoặc mòn gai lưỡi, lông, tóc, móng khô dễ gãy. Người bệnh cảm thấy mệt mỏi, hoa mắt chóng mặt khi thay đổi tư thế, tức ngực, giảm khả năng hoạt động thể lực và trí lực.
Về mặt triệu chứng lâm sàng, bệnh thiếu máu thiếu sắt diễn biến từ từ qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Chỉ giảm sắt dự trữ nên người bệnh chưa bị thiếu máu, thường có một số triệu chứng của nguyên nhân gây thiếu sắt.
Giai đoạn 2: Đã cạn sắt dự trữ và giảm sắt vận chuyển, người bệnh chưa có biểu hiện rõ tình trạng thiếu máu, có triệu chứng của nguyên nhân gây thiếu sắt; bắt đầu có triệu chứng của thiếu sắt như: mất tập trung, mệt mỏi...
Giai đoạn 3: Thiếu máu và thể hiện là có cả triệu chứng của thiếu máu và thiếu sắt. Tuy nhiên, ranh giới giữa các giai đoạn không rõ ràng.
Số lượng hồng cầu ở người bình thường và người thiếu máu.
Các biến chứng của bệnh
Tình trạng thiếu máu thiếu sắt nhẹ thường không gây ra biến chứng. Tuy nhiên, nếu không được chữa trị, bệnh thiếu máu thiếu sắt có thể trở nên trầm trọng dẫn đến các vấn đề sức khỏe, bao gồm:
Tim mạch: Thiếu máu thiếu sắt có thể dẫn đến nhịp tim nhanh hoặc bất thường. Tim phải bơm máu nhiều hơn để bù đắp cho sự thiếu oxy máu khi đang bị thiếu máu lâu dần có thể dẫn tới suy tim.
Thai sản: Thiếu máu tăng nguy cơ đẻ non, tăng tỷ lệ mắc bệnh và tử vong của mẹ và con.
Tăng trưởng và trí tuệ: Thiếu máu thiếu sắt có thể gây ra sự chậm phát triển về thể chất và trí tuệ ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, trẻ chậm biết nói, biết đi; khả năng tư duy và nhận thức của não bộ đều bị giảm sút dẫn tới kém tập trung, khó nhớ, mau quên.
Phòng chống bệnh thiếu máu thiếu sắt
Thực hiện chế độ ăn cân đối giàu sắt, vitamin như thịt màu đỏ (thịt bò, thịt trâu...), hải sản, thịt gia cầm, trứng, bột bánh mì, đậu, lạc, các loại rau xanh đậm như rau ngót, dền, muống,... Tăng hấp thu sắt bằng uống nước hoa quả như cam, chanh khi ăn thức ăn nhiều sắt. Không nên uống trà, cà phê ngay sau ăn.
Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun sán, tẩy giun định kỳ năm một lần (đặc biệt là giun móc và giun đũa); sử dụng nước sạch khi ăn uống, sinh hoạt; sử dụng bảo hộ lao động khi làm nông nghiệp; không dùng phân tươi bón ruộng.
Bổ sung viên sắt cho phụ nữ và trẻ nhỏ: đây là biện pháp cải thiện tình trạng thiếu máu thiếu sắt nhanh nhất nhưng cần theo chỉ định của bác sĩ.
Điều trị sớm các bệnh làm giảm hấp thu sắt như: rối loạn tiêu hóa, kinh nguyệt kéo dài... các bệnh gây chảy máu mạn tính.
Để ngăn ngừa thiếu máu thiếu sắt ở trẻ sơ sinh nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu vì sắt từ sữa mẹ dễ hấp thu hơn so với sắt trong sữa công thức, nhất là ở trẻ sinh non. Trong trường hợp trẻ không có sữa mẹ hoặc sữa mẹ không đủ, cần cho trẻ ăn sữa có bổ sung sắt. Khi trẻ ăn dặm, cần đảm bảo cho trẻ đầy đủ dinh dưỡng và đủ các chất cần thiết, thức ăn bổ sung cho trẻ nên là loại có chứa nhiều sắt và vitamin C để đề phòng thiếu máu thiếu sắt.
Khi có các triệu chứng của bệnh thiếu máu thiếu sắt, người bệnh nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị đúng cách giúp cho tình trạng bệnh nhanh chóng được cải thiện. Người bệnh không nên tự ý dùng thuốc bổ sung sắt mà không có chỉ định của bác sĩ vì có thể làm cho cơ thể quá tải sắt gây nguy hiểm vì khi đó lượng sắt dư thừa có thể gây tổn thương gan và gây ra các biến chứng nguy hiểm khác.
BS. Phạm Văn Hiệu
Nhận xét
Đăng nhận xét