Lương y giúp dân nghèo
Còn ông - lương y Nguyễn Văn Thiệu thì tự hào: “Nhà tôi 10 người con thì tất cả đều giàu có, nên các con chi tiền cho tôi làm từ thiện, vả lại, tôi cũng vẫn còn thu được lợi nhuận từ công ty để giúp bà con nhiễm chất độc da cam...”.
Lấy việc từ thiện làm niềm vui sống
Đến thôn An Phú, xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, tôi đã gặp được ông, người được ca ngợi là lương y nổi tiếng nhất Thái Bình, một “người của dân” giàu lòng nhân ái. Khi ai đó hỏi về chuyện làm việc thiện thì lương y Nguyễn Văn Thiệu bảo: “Nhiều người còn khổ quá, nhất là ở tỉnh tôi. Tôi sẽ làm cho đến bao giờ tim tôi ngừng đập”.
Lương y Nguyễn Văn Thiệu khám cho bệnh nhân.
Việc làm của ông, không chỉ thể hiện là một lương y giàu nhân ái, vì người nghèo và vì nạn nhân chất độc da cam (CĐCD), ông còn là người dám dấn thân một cách tài tử. Ở tuổi 76, ông thành lập công ty có tên Công ty Đông Nam dược Nguyễn Thiệu, có trụ sở tại Cụm công nghiệp Quỳnh Hồng, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Phụ, với hy vọng có công ty, ông sẽ có nhiều vốn để giúp người. Hiện tại, công ty đang xây dựng Phòng khám bệnh viện đa khoa để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh trong nhân dân.
Nghề y, với ông không phải là nghề kinh doanh và việc thành lập công ty ở cái tuổi “thất thập” cũng vậy. Ông Thiệu làm để giúp nhiều người hơn nữa và coi đó là niềm vui sống. Ngay từ khi tiếp nối truyền thống gia đình làm Đông y, ông Thiệu đã giúp đỡ bà con nghèo khó bằng thái độ vô tư. Mỗi người dân, mỗi hoàn cảnh kinh tế, nhưng khi có bệnh thì đều cần thiết và cấp bách. Người nghèo thì ông thu giá một nửa, ai khó khăn quá thì ông cho không. Trước đây, ông không hề ghi sổ sách nên không thống kê được. Nhưng nay, ông đã lưu những hồ sơ bệnh nhân ở 8 huyện thị tỉnh Thái Bình, nên việc thống kê và khám chữa dễ dàng thuận tiện hơn. Một kế hoạch làm việc mới bắt đầu: Thứ năm khám, cấp thuốc cho 5 nạn nhân CĐDC huyện Thái Thụy; thứ sáu, 5 người huyện Đông Hưng; thứ bảy, 7 người huyện Quỳnh Phụ; chủ nhật, 5 người huyện Hưng Hà... Ông Nguyễn Đức Hạnh, Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Thái Bình cho biết, các bệnh nhân đến khám theo danh sách cấp hội từng địa phương giới thiệu. Thời gian vừa qua, phòng khám của lương y Thiệu đã khám, cấp thuốc miễn phí cho hàng ngàn lượt bệnh nhân CĐDC. Lần giở đống sổ sách lão lương y cho biết, mỗi xã phải lập một quyển sổ theo dõi riêng và các bệnh nhân đều được vào sổ để kiểm tra thường xuyên.
Tiếp bệnh nhân ở xa.
Lương y nổi tiếng đất Thái Bình
Ông Nguyễn Văn Thiệu sinh trong một gia đình đã 7 đời làm nghề gia truyền thuốc Đông y và là lương y nổi tiếng nhất Thái Bình. Người ta biết đến ông là một người làm việc thiện vô tư nhất. Từ nhỏ, cậu bé Thiệu đã được tiếp xúc, làm quen với các vị thuốc, các bài thuốc do các cụ tổ và cha mình truyền lại. Thiệu học rất giỏi Hán Nôm, nên có điều kiện tham khảo thêm nhiều sách y thuật, trong số đó có Hải Thượng Lãn Ông, từ đó Thiệu tích lũy rất nhiều kinh nghiệm quý báu trong bắt mạch kê đơn. Khi ông nội mất, cha đi theo Cách mạng, Thiệu phải vừa đi làm thêm, vừa học và bị gãy tay trong một lần vác gạo.
Năm 1982, ông Thiệu chính thức được cấp giấy phép hành nghề y dược tư nhân. Hơn nửa thế kỷ gắn bó, ông đã rút ra nguyên lý chữa bệnh: “Nhi khoa thánh dược” chuyên trị được các bệnh thấp khớp ở trẻ em; “Dưỡng lão thần phương” chuyên trị bệnh suy nhược cơ thể ở người cao tuổi; và bài thuốc trị bệnh thần kinh toại ở lứa tuổi trung niên. Ông Thiệu cho biết: “Người làm nghề Đông y khi khám bệnh phải dựa vào 4 yếu tố: Vọng - văn, vấn - thiết, tức là: Nhìn, nghe, hỏi, bắt mạch, trong đó với nhìn là quan trọng nhất. Tổng hợp cả 4 yếu tố đó, người lương y sẽ bắt đúng bệnh, cắt đúng thuốc. Tuy nhiên với tôi, chế độ ăn uống hợp lý đủ dinh dưỡng là vấn đề rất quan trọng để “Nhân cường tất nhược”.
Tiếng lành đồn xa, không chỉ có các xã của tỉnh Thái Bình biết tiếng, kéo về bốc thuốc và ông cũng chia lịch để đi đến từng nơi làm việc thiện. Ở các tỉnh, thành khác như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Nghệ An, Thanh Hóa... cũng tìm đến ông cho bằng được. Ông đã mở lòng cứu giúp biết bao nhiêu người, coi như khai sinh ra họ lần thứ hai. Nguyễn Văn Thiệu đã trở thành một lương y mà nhiều người không làm được. Cụ Nguyễn Thị Diên (73 tuổi, Quỳnh Hải - Thái Bình) mắc bệnh hiểm nghèo, con cái đưa cụ đi các bệnh viện nhưng bệnh viện trả về, chỉ còn chờ ngày ly biệt. Ông Thiệu đã đến, cắt cho vài chục chén thuốc, cụ Diên đã khỏe lại. Bà nói: “Lúc đó, tôi cảm tưởng mình không thể sống được, cho đến một ngày ông Thiệu đến bắt mạch, nói là bệnh chữa được, cứ để tôi. Thế là ông Thiệu cắt thuốc dần, chữa cho tôi khỏi”. Chị Nguyễn Thị Ngần (Đông Xuân - Đông Hưng), được lương y Nguyễn Văn Thiệu cứu từ cõi chết trở về. “Em bị bệnh 5 năm, bệnh viện trả về. Em nghĩ mới hai mấy tuổi đã phải xa chồng, xa con thì buồn lắm. Thông qua báo chí, em biết đến ông Thiệu, nên tìm đến nhờ chữa. Lương y Thiệu bắt mạch xong, cũng nói khó chữa, phải điều trị lâu dài. Sau gần 1 năm điều trị, em khỏe hẳn, tăng được 4kg. Ra ngoài bệnh viện Trung ương kiểm tra, các bác sĩ nói bệnh của em đã khỏi hẳn”. dịch thuật chuyên nghiệp bình định Nhiều bệnh nhân cảm kích trước tấm lòng của lương y Nguyễn Văn Thiệu, đã làm thơ gửi về tặng ông, trong đó có đoạn: “Danh thơm lan tỏa mọi miền/ Vọng trong y mẫu dịu hiền bao la/ Vang danh tiếng đến muôn nhà/ Mênh mông tài đức thiết tha mặn nồng/ Phải đâu áo thắm chỉ hồng/ Vì nhân sinh sống bằng lòng nghĩa nhân” hay “Lương y cùng với gia đình/ Ngày đêm phục vụ nhọc nhằn quản chi/ Bệnh nhân khỏe lòng ông vui...”.
Đến nay, ông được mệnh danh là “Người thầy thuốc xoa dịu nỗi đau da cam” với rất nhiều hoạt động từ thiện đã được ghi nhận. Hàng tuần, ông duy trì lịch khám. Ông chữa bệnh và phát thuốc miễn phí định kỳ cho hơn 5.000 lượt bệnh nhân/mỗi năm tại các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang...
Lương y Nguyễn Văn Thiệu và các bác sĩ, nhân viên trong công ty.
“Đại gia” của xóm làng
Không chỉ làm việc thiện trong ngành Đông y, cứu giúp nạn nhân CĐDC, người nghèo khổ, bệnh nhân hiểm nghèo, lương y Nguyễn Văn Thiệu còn được coi là “đại gia” của xóm làng. Bởi ông công đức rất nhiều cho đình, chùa, cho việc tu bổ đường làng ngõ xóm, hết lòng ủng hộ các quỹ từ thiện khác, quan tâm và tài trợ cho nhiều phong trào ở địa phương... Ông lại được mời vào hội viên danh dự của Hội Nạn nhân chất độc màu da cam tỉnh Thái Bình, thường xuyên ủng hộ tiền và chữa bệnh cho hội viên. Cuối năm 2007 đến nay, cả tuần ông dành thời gian để khám và cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn bệnh nhân bị nhiễm CĐDC do xã giới thiệu lên. Cứ như vậy, mỗi bệnh nhân của các xã, huyện tỉnh Thái Bình đều được ông thăm khám, được cấp miễn phí 5 thang thuốc Bắc trị giá 170.000 đồng để điều trị bệnh. Ước mơ của ông Thiệu là xoa dịu những nỗi đau da cam, những cảnh đời tang thương còn đang chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, giúp cho người nghèo ổn định tinh thần để có thể chữa trị bệnh tốt hơn, sống khỏe hơn. Và chính những việc làm đó đã giúp ông Thiệu vui khỏe, hạnh phúc.
Lương y Nguyễn Văn Thiệu đã được tặng nhiều danh hiệu cao quý: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Bộ Y tế; Danh hiệu “Thầy thuốc Đông y tiêu biểu” do Trung ương Hội Đông y Việt Nam trao tặng và nhiều danh hiệu cao quý khác.
Nguyễn Văn Học
Nhận xét
Đăng nhận xét